Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

"Chết chùm" cùng bất động sản


Nợ đọng, tồn kho, thua lỗ, tạm dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy...Nhiều ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đang rơi vào cảnh khốn cùng khi thị trường bất động sản "đông lạnh".
Nợ đọng, tồn kho, thua lỗ, tạm dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy... là những nỗi lo thường trực của nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng. Vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan, các doanh nghiệp đã tự đẩy mình rơi vào thảm cảnh.
Chết và thoi thóp…
Điểm lại hoạt động 6 tháng qua, Bộ Xây dựng thừa nhận khó khăn chưa từng có tại các ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Lượng hàng tồn rất cao, nhiều doanh nghiệp đồng loạt thông báo tình hình sản xuất kém hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng. Một số đã phải giảm công suất khai thác hoặc tạm dừng để tránh thua lỗ thêm như dây chuyền của Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, một số nhà máy xi măng thuộc Tập đoàn Sông Đà... Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở ngành thép (Nhà máy Cán thép Sông Hồng), gạch ốp lát cao cấp, sứ vệ sinh (dừng Nhà máy Gạch ốp lát Hà Nội, Nhà máy Granit Tiên Sơn khoảng 2 tháng... để tiêu thụ hàng tồn kho), kính xây dựng (dừng 1 dây chuyền 8 triệu m2/năm tại Nhà máy Kính Đáp Cầu)... Theo Bộ Xây dựng, việc dừng sản xuất hoặc giảm công suất khai thác đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất và làm giảm khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp.
Riêng trong lĩnh vực xi măng, các doanh nghiệp thừa nhận, ngành xi măng đang đứng trước tình trạng cung vượt cầu. Hàng loạt dây chuyền, nhà máy mới chạy cầm chừng, thua lỗ, phải dừng sản xuất bởi chi phí tăng cao, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Đã vậy, tình hình kinh tế khó khăn, đầu tư công cắt giảm, thị trường bất động sản đóng băng... đã làm cho nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm đáng kể. Cùng lúc, lãi suất và chi phí đầu vào đều tăng cao, dây chuyền mới đầu tư đến hạn trả nợ nên tất yếu dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp, doanh nghiệp cầm chắc thua lỗ. Ví dụ gần đây nhất là nhà máy xi măng Cẩm Phả. Với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm, nhà máy này được cho là có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Đầu tư theo đúng quy hoạch, kế hoạch năm 2012 sản xuất và tiêu thụ bằng 88% công suất thiết kế, song quý I nhà máy mới tiêu thụ được 20% kế hoạch năm. Do lãi vay và chênh lệch tỷ giá tăng cộng thêm chi phí đầu vào "đội" lên so với tính toán ban đầu nên nợ lũy kế của nhà máy tính đến hết năm 2011 lên tới hơn 1.200 tỷ đồng. Tương tự, Nhà máy xi măng Hạ Long với công suất 2,15 triệu tấn/năm, cũng đi vào hoạt động đúng thời điểm thị trường sụt giảm sức tiêu thụ nên hết năm 2011, lỗ lũy kế của Nhà máy lên tới 1.090 tỷ đồng. Thê thảm hơn nữa là Nhà máy xi măng Đồng Bành. Đi vào hoạt động chưa đầy một năm, nhà máy đã phải dừng sản xuất. Tính đến thời điểm tháng 9/2011, nhà máy này đã lỗ tới 149 tỷ đồng.
Vì đâu nên nỗi?
Trả lời câu hỏi nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng ê chề hôm nay, ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phân tích: "Giá cả nhiên liệu, điện, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng, chi phí tài chính lên đến 20 - 30%, vốn lưu động thiếu đã làm cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất. Sản phẩm tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản". Ở góc độ nhà quản lý, Bộ Xây dựng cho biết: "sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng đang ở trong tình trạng đình đốn do việc cắt giảm đầu tư công cũng như thị trường bất động sản đóng băng". Tuy nhiên, với riêng ngành xi măng, hệ lụy bi đát không phải chỉ do bất động sản ảm đạm. Nhiều người đã dự báo trước về những "cái chết" ngày hôm nay.
Giải pháp quan trọng là Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng các loại đường giao thông, sân bãi các khu công nghiệp... bằng bê tông
Theo ông Trần Văn Huynh, cộng với lượng tồn lũy kế từ năm 2011, lượng clinke, xi măng hiện còn tồn kho khoảng trên 3 triệu tấn, tức hơn 3.000 tỷ đồng! Đáng chú ý, sản xuất và tiêu thụ giảm, nhưng ngược lại, năng lực sản xuất của toàn ngành (công suất thiết kế) lại tăng khoảng 10% so với năm 2011, do "cao trào" đầu tư xi măng đã khởi động từ những năm gần đây. Năm 2012, toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, năng lực khai thác dự kiến đạt từ 62 đến 64 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2012 dự kiến khoảng 46 - 47 triệu tấn, phấn đấu xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn, tương đương tổng cộng 53 - 54 triệu tấn. Như vậy, ước tính, sẽ dư thừa khoảng 10 triệu tấn công suất!
Cùng quan điểm, ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, quy hoạch ngành xi măng đã dự báo tăng trưởng không chuẩn dẫn tới tình trạng cung vượt cầu hôm nay. Bên cạnh áp lực rất lớn từ suy thoái kinh tế, bản thân ngành xi măng cũng tự đẩy mình vào thảm cảnh hiện nay bởi nhiều doanh nghiệp, địa phương đã "nhắm mắt" đầu tư xây dựng nhà máy xi măng theo kiểu cố đấm ăn xôi. Có xã có tới 3 nhà máy thì thừa thãi là điều không thể tránh khỏi. Lại nữa, đúng vào lúc thị trường bất động sản ảm đạm, đầu ra giảm mạnh thì nhiều dây chuyền đầu tư mới đi vào hoạt động và bắt đầu phải trả cả vốn lẫn lãi vay đầu tư ở mức cao ngất!
Kêu cứu khắp nơi
Quí 1/2012, nhà máy xi măng Cẩm Phả mới tiêu thụ được 20%  kế hoạch đề ra cho cả năm
Để cứu các doanh nghiệp đang "hấp hối", Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã có nhiều kiến nghị gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Theo ông Trần Văn Huynh, một giải pháp quan trọng là Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng (tất cả các loại đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, sân bãi các khu công nghiệp) bằng bê tông xi măng. Hội cũng kiến nghị Quốc hội cho áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng với các sản phẩm vật liệu xây dựng là 5% trong năm 2012, thay cho thuế suất 10% hiện hành để kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ hết hàng tồn kho, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.

Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Xây dựng tái cấu trúc ngành công nghiệp xi măng và soát xét điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng theo hướng phù hợp với thực tế tiêu thụ hiện nay. Ông Trần Văn Huynh nói: "Năm nay đã thừa 10 triệu tấn, nếu thực hiện theo đúng kế hoạch thì năm 2012 sẽ đưa vào sản xuất thêm 7,5 triệu tấn, năm 2013 thêm 9 triệu tấn, năm 2014 thêm 4,3 triệu tấn... Như thế, sẽ đưa tổng công suất lên 90 triệu tấn, tức dư thừa công suất trên 25 triệu tấn. Đó là chưa kể trong đó có nhiều dự án sẽ không có khả năng thực hiện, nhưng vẫn chiếm chỗ, gây lãng phí lớn". Cùng với đó, phải có giải pháp quản lý có hiệu quả việc xuất khẩu vật liệu xây dựng, chấm dứt tình trạng ‘trăm hoa đua nở", cạnh tranh không lành mạnh, phân tán, manh mún, tùy tiện, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
 
Theo Phương MaiDoanh Nhân

Đầu tư địa ốc và “canh bạc” bắt đáy thị trường


Phần lớn số ôtô đỗ trước dự án Dream Town này là của nhà đầu tư tại lễ mở bán cuối tuần qua.
Trong khi phần lớn người dân vẫn trông chờ giá bất động sản sẽ giảm thêm thì trên thị trường bắt đầu xuất hiện động thái gom hàng giá rẻ của một bộ phận giới đầu cơ.
Động thái này được xuất phát từ sự tuột dốc không phanh của thị trường bất động sản trong suốt hơn 1 năm qua. Theo đó, giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp tại nhiều dự án tính trung bình đã giảm khoảng gần 50% so với thời điểm thị trường đang ở giai đoạn sôi động.

Song cũng có không ít chuyên gia lẫn nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm lại nhìn nhận, thị trường vẫn chưa qua được khó khăn, thanh khoản vẫn sẽ thấp, nên việc sớm mua gom vào thời điểm này cho dù giá đã khá hấp dẫn thì cũng không khác gì “đánh bạc” với thị trường.

Chuyển từ ngân hàng sang nhà đất

Trong tuần qua, thị trường bất động sản như được hâm nóng phần nào bởi những thông tin về các dự án chào bán có giá khoảng 14 - 17 triệu đồng/m2. Điển hình trong số đó là dự án chung cư Đại Thanh (Thanh Trì), dự án Dream Town (Từ Liêm), dự án The Sun Garden (Hà Đông)...được khá nhiều khách hàng quan tâm.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, ngoại trừ một số người dân có mức thu nhập trung bình, đặc biệt là người ngoại tỉnh mới về Hà Nội có nhu cầu mua nhà ở thực, còn có một lượng không nhỏ các nhà đầu tư cũng tham gia tìm hiểu, ký hợp đồng mua thực sự với hy vọng sẽ có lãi khi thị trường ấm lên trong năm tới.

Anh Nguyễn Văn Tính (một nhà đầu tư) cho hay, ngay sau khi trần lãi suất huy động giảm về 9%/năm, hai vợ chồng đã quyết định rút toàn bộ số tiền tiết kiệm gần 500 triệu đồng về để tìm kênh đầu tư mới. Sau khi có thông tin một số dự án chung cư giá mềm mở bán, anh đã quyết định đặt cọc và ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án Dream Towm với giá hơn 17 triệu đồng/m2. Được chủ đầu tư thỏa thuận là số tiền trả góp được kéo dài trong 20 năm nên anh cũng không quá lo về tiến độ nộp tiền.

“Tôi quyết định đầu tư trở lại vào bất động sản vì gửi tiết kiệm hiện giờ không có nhiều lợi nhuận nữa. Nếu mạnh dạn đầu tư, sang năm bất động sản ấm dần thì sẽ bán lại nếu thấy có lãi, còn không cứ để đấy sau này cho con cái ở cũng không thừa”, anh Tính nói.

Trong lần tham dự mở bán căn hộ tại dự án Đại Thanh, Dream Town, IPH... tuần qua, người viết cũng chứng kiến không ít nhà đầu tư bất động sản có cùng quan điểm và động thái như anh Tính. Nghĩa là họ cũng có chút ít vốn liếng sau một thời gian gửi ngân hàng, giờ lãi suất giảm đành phải rút ra và bất động sản là địa chỉ họ tìm đến đầu tiên.

Trong số đó, cũng có người lạc quan, mạnh bạo tuyên bố rằng “không mua vào bất động sản bây giờ là dại, bởi giá đã quá thấp và chủ đầu tư khó mà giảm thêm nữa”. Tất nhiên, vị này cũng lưu ý, nếu mua vào cần phải thẩm định thật kỹ càng từng dự án cũng như tiến độ, uy tín của chủ đầu tư, tránh tình trạng mua nhà trên giấy như một số dự án mà báo chí phản ánh gần đây.

Chủ đầu tư cũng “đánh bạc”

Thị trường bất động sản trầm lắng quá lâu có thể đã khiến không ít chủ đầu tư đã phải điêu đứng, mất lòng tin vào thị trường. Thậm chí có một số đã phải rời bỏ thị trường, phá sản kế hoạch, chiến lược của mình với những dự án nổi đình, nổi đám trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có những chủ đầu tư, dù là phải đi vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng vẫn cố chen chân vào thị trường, bất luận viễn cảnh ra làm sao.

Trong lần trao đổi mới đây với VnEconomy, Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty May Hồ Gươm (chủ đầu tư dự án Hồ Gươm Plaza - Hà Đông) đã tuyến bố “chúng tôi mở bán dự án vào thời điểm này vì đã có kế hoạch từ trước. Do đó, bất luận thị trường tốt hay xấu, chúng tôi cũng không quan tâm”.

Với một số chuyên gia, tuyên bố của chủ dự án nói trên không khác nào hành động “nhắm mắt làm liều”, ngay cả khi dự án đó không phải vay tiền ngân hàng, theo như lời của vị chủ tịch May Hồ Gươm.

Song cũng có người lại nhìn nhận, nếu các chủ đầu tư hiện đang nắm giữ trong tay hàng trăm căn hộ thì khôn ngoan nhất là tìm cách giảm giá, đẩy hàng vì thị trường sẽ còn giảm sâu hơn nữa trong năm tới. Khi đó, không chỉ làm giảm lãi mà nguy cơ vỡ nợ là rất dễ xảy ra vì giá bất động sản sẽ giảm thêm khoảng 20% và thanh khoản thì vẫn chưa ai nói trước được điều gì.

Không chỉ dự án Hồ Gươm Plaza, tại thời điểm hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, có không ít chủ đầu tư cũng đang đánh cược với "canh bạc" thị trường khi quyết định mở bán vào thời điểm thị trường ế ẩm. Theo họ, việc mở bán vào thời điểm này là việc làm bất đắc dĩ vì có vô số bất lợi thuộc về chủ đầu tư, đặc biệt là giá bán và các điều khoản đi kèm. Tuy nhiên, trước sức ép trả nợ ngân hàng và vốn để đảm bảo tiến độ dự án, không mở bán cũng không xong.

Thậm chí, nếu không bán hàng vào thời điểm này, chờ đến cuối năm nay hoặc đầu năm tới, thị trường không ai dám chắc là sẽ đi theo chiều hướng nào, trong đó viễn cảnh thê thảm hơn cũng không phải là không có khả năng xảy ra. Mua – bán trong thời điểm thị trường nhạy cảm như hiện nay được ví như canh bạc là vậy.

Chia sẻ với VnEconomy, nhiều nhà đầu tư thứ cấp cùng quan điểm cho hay, trong bối cảnh hiện tại, việc mua vào hay không cũng giống như chơi trò chơi đánh bạc hay chơi xổ số. Có nghĩa rằng, nếu có vốn và dám chấp nhận rủi ro, cơ hội thắng là hoàn toàn có thể nếu thị trường ấm lên trong những tháng tới. Trong trường hợp ngược lại, thị trường vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí xấu hơn, giá tiếp tục giảm thì nhà đầu tư phải chấp nhận vì canh bạc này là “5 ăn 5 thua”.

Theo Bảo Anh
Vneconomy

Ngân hàng Bản Việt thay đổi người đại diện theo pháp luật



Người đại diện theo pháp luật mới là ông Đỗ Duy Hưng, thay cho bà Nguyễn Thanh Phượng.
Ngân hàng TMCP Bản Việt vừa có thông báo về việc thay đổi tên người đại diện theo pháp luật từ ngày 20/06/2012. 
Theo đó, người đại diện theo pháp luật cũ là bà Nguyễn Thanh Phượng - chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Người đại diện theo pháp luật mới là ông Đỗ Duy Hưng - chức danh Tổng giám đốc.

Lãi suất điều hành giảm 1% từ 1/7



Lãi suất tái cấp vốn xuống còn 10%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 8%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng còn 11%.
Ngày 29/6/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 1289/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
Theo đó, Thống đốc NHNN quy định lãi suất tái cấp vốn là 10%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 8%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng là 11%/năm.
So với các mức lãi suất chủ chốt có hiệu lực từ 11/6, các mức lãi suất mới này giảm 1%.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2012.
Theo SBV

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Cắt nội thất, bàn giao nhà thô để giảm giá


Để được tiếng bàn giao sản phẩm đúng thời hạn, lại không phải chi tiền hoàn thiện nội thất, nhiều chủ đầu tư dự án BĐS bàn giao thô, hoàn thiện cơ bản căn hộ để giảm tới 30% giá bán.
Giảm giá trực tiếp căn hộ xem ra vẫn là giải pháp khó thực hiện và đường cùng mà số ít chủ đầu tư dự án BĐS trong Nam ngoài Bắc tính tới chuyện áp dụng. Lý do tế nhị: các chủ đầu tư sẽ bị mất uy tín và tự chuốc thêm tranh chấp về lợi ích giữa khách hàng mua trước với khách hàng mua sau, cụ thể là người mua sau được lợi hơn.

Một chiến lược mới xuất phát từ bối cảnh khó khăn bĩ cực của thị trường, vừa mang tính bị động nhưng cũng đầy tính chủ động - đang trở thành xu hướng được nhiều chủ đầu tư cân nhắc áp dụng đó là bàn giao thô, hoàn thiện cơ bản dự án.

Đơn cử hồi quý I/2012, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án Good House (quận 8, TP.HCM) đã rất lo ngại khi chủ đầu tư quyết định lùi thời hạn giao nhà đến năm 2013 do thiếu vốn mặc dù dự án đã xây đủ số tầng, xong phần kết cấu bên ngoài. Vì thế, các khách hàng đã sốt sắng mong được tiếp tục đóng tiền để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành phần thô của dự án. Phần còn lại họ sẽ tự hoàn thiện.

Nhiều khách hàng chia sẻ, khi mua căn hộ họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính để mong nhận được một căn hộ hoàn thiện. Tuy nhiên đến lúc chủ đầu tư thông báo cạn vốn, lùi thời hạn giao nhà, dù rất tức giận và thiệt hại về tài chính, họ vẫn phải ngọt nhẹ tìm cách tháo gỡ cho cả hai bên bằng cách thúc đẩy chủ đầu tư hoàn thiện xây thô.

Theo giới chuyên môn, hình thức bán nhà xây thô xuất hiện đầu tiên ở khu Nam Sài Gòn rồi lan ra các dự án tại phía Nam. Cho đến nay, các dự án đang hoàn thiện tại Hà Nội cũng đã bắt đầu áp dụng chiêu thức này. Đồng thời nhiều chủ đầu tư khác đang cân nhắc thực hiện.

Rầm rộ nhất, cách đây không lâu chủ đầu tư một dự án chung cư đang xây dựng triển khai tại Mễ Trì, Từ Liêm đã công bố các gói tùy chọn nội thất cho khách hàng nhằm đưa đến mức giá hợp lý cho căn hộ bàn giao. Theo đó giá căn hộ sẽ giảm trực tiếp từ 180-320 triệu đồng, xuống còn 27-29 triệu đồng/m2 nếu khách hàng lựa chọn gói nội thất cơ bản chỉ bao gồm các thiết bị gắn tường. Trong khi với gói nội thất đầy đủ, mức giá bán căn hộ sẽ là 30-33 triệu đồng/m2 (gồm thuế).

Một dự án căn hộ cao cấp quy mô lớn trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng thông tin nếu khách hàng nào muốn thay đổi thiết kế của căn hộ thì phải nhận nhà thô, chủ đầu tư sẽ giảm 6 triệu/m2 tiền nội thất cho khách hàng. Phần chiết khấu này sẽ được trừ vào đợt thanh toán cuối cùng. Tính ra, với căn hộ 100m2, giá trị khoảng 4 tỷ đồng, khách hàng sẽ lấy lại được 600 triệu đồng. Đây cũng là một khoản tiền đáng kể để thanh toán nốt tiến độ dự án.

Lợi ích hay phiền toái cho khách hàng?

Việc đi tắt, bỏ qua các công đoạn hoàn thiện cuối cùng giúp chủ đầu tư vừa giữ đúng cam kết về thời hạn bàn giao căn hộ, nhà liền kề, biệt thự, vừa giúp họ giảm áp lực tài chính khi phải tạm ứng số tiền không nhỏ để đặt hàng các nhà thầu cung cấp nội thất, đồng thời lại góp phần làm tăng tính thanh khoản của sản phẩm khi giá giảm rõ rệt. Quan trọng hơn, chiêu thức này tỏ ra không làm ảnh hưởng về giá trị căn hộ đối với những người mua trước đó.

Về phía khách hàng, cái lợi trông thấy là giá trị căn hộ giảm đi rõ rệt, lại không phải chờ hoàn thiện mới được nhận nhà. Việc hoàn thiện trang trí nội thất được làm theo ý mình, tiết kiệm chi phí. Bởi lẽ, kinh nghiệm của giới xây dựng cho thấy, hầu hết khách hàng khi nhận căn hộ đều tốn thêm một khoản để sửa sang, thể hiện phong cách, thẩm mỹ  gia chủ. Với cách làm này, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn ứng với túi tiền của mình.

Nhiều ý kiến đánh giá, cách làm của chủ đầu tư trong bối cảnh khó khăn hiện nay là rất khôn ngoan. Không chỉ người mua nhà, người đầu tư căn hộ như vậy cũng được hưởng lợi, giảm áp lực tài chính. Nhất là nhiều dự án, khách hàng không hài lòng tý nào về chất lượng hoàn thiện nội thất, thiết kế do bị cắt xén, không đảm bảo so với cam kết mà chủ đầu tư đưa ra ban đầu.

Tuy nhiên, phiền toái lớn nhất của khách hàng chính là chất lượng, mỹ quan và trật tự hoàn thiện, khi mà cùng trong một tòa nhà nhưng người đã ở hoàn thiện lại sống chung với hàng xóm vẫn đang, thậm chí chưa biết bao giờ, mới hoàn thiện ổn định cuộc sống.

Một khách hàng tỏ nêu quan điểm, nếu nhà nhà đều lao vào hoàn thiện thì sẽ anh hưởng không tốt đến không gian công cộng. Va đập, sứt sẹo khi vận chuyển nguyên vật liệu, bụi bặm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh dẫn đến cả khu nhanh xuống cấp.

"Ai chả muốn nhà mình đẹp. Nhưng đẹp có nhiều kiểu đẹp nên cũng khó mà thỏa mãn. Tôi chỉ muốn nhà mình sạch sẽ, gọn gàng trong một môi trường sạch sẽ gọn gàng thì đã tốt lắm rồi. Vì thế, nếu có cho phép hoàn thiện, sửa sang thì cũng sửa ít, còn lại để chủ đầu tư hoàn thiện cho đúng tiến độ và đồng bộ. Hoặc có quy định cụ thể về thời gian hoàn thiện, kiểm soát xây dựng chặt chẽ để tránh ảnh hưởng đến môi trường chung" - vị khách hàng này nói.

Một ý kiến khác lo xa, già nửa số căn hộ đã hoàn thiện sẽ không chấp nhận bàn giao nhà khi toàn bộ dự án chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, các nhà tự hoàn thiện sẽ phải trả một khoản tiền cho phí bảo vệ, vệ sinh khá tốn kém. Tất cả sẽ làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp về phí và pháp lý... Khi căn hộ đã bàn giao, sự thống nhất giữa các chủ căn hộ và đơn vị thi công sẽ rất khó khăn và phức tạp.

Trước đó, hồi năm ngoái, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ một số giải pháp nhằm quản lý thị trường bất động sản, trong đó có yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tình trạng các dự án phát triển nhà ở chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền cho người mua nhà tự xây dựng hoặc bán nhà xây thô để người dân tự hoàn thiện dẫn đến nhiều dự án phát triển khu đô thị mới không hoàn thành đúng tiến độ, phá vỡ quy hoạch tại địa phương, gây lãng phí tài nguyên đất và vốn đầu tư, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị. Đồng thời, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao. Bộ Xây dựng cũng đề xuất chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất rồi bỏ hoang.

Theo Việt Thắng
VEF

Quỹ tiết kiệm nhà ở: Cái khó nằm ở khâu thực hiện


Người dân đi đăng ký mua nhà
Đề án Quỹ Tiết kiệm nhà ở vừa ra đời, mang lại nhiều hy vọng về nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực từ đề án này.
Giá đất đang leo thang, nhiều người dân có mức thu nhập trung bình phải từ bỏ giấc mơ sở hữu một ngôi nhà thì Quỹ này lại mở ra một cơ hội giúp người dân tiếp cận được với nhà ở chốn thị thành. Tuy nhiên, không ít người lo ngại “siêu đề án” vẫn chưa rõ ràng, thiếu thực tế để cụ thể hóa giấc mơ đó.
Theo một điều tra mới đây, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300 - 400.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn và rất cần các nguồn vốn như Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Chính vì vậy, hai mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở đưa ra lần này đã được nhiều người đánh giá cao bởi nó giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, mô hình Quỹ Tiết kiệm nhà ở thực tế đã có ở nhiều nước trên thế giới, như: Trung Quốc, Singapore hay một số nước Bắc Âu, dưới nhiều tên gọi khác nhau. Họ đã làm và khá thành công. “Theo tôi, một trong những ưu điểm vượt trội của đề án lần này là tính tự nguyện. Thay vì có tính bắt buộc và trích 1% lương của người lao động như trước đây, lần này người dân sẽ tự nguyện tham gia. Căn cứ theo nhu cầu khoản vay dự kiến, họ có quyền tham gia cuộc chơi sao cho vừa sức với mình. Qua đó, Quỹ này mở ra một cơ hội giúp cho người dân tiếp cận được với nhà ở thành thị, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM”, GS.Võ nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Hồng, vụ trưởng Vụ hành chính tài chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), mô hình này đã áp dụng tại nhiều nước trên thế giới và dựa trên rất nhiều yếu tố để thành công như: Nền kinh tế phát triển, ngân sách cho quỹ lớn; quản lý, giám sát chặt chẽ; thị trường ổn định và đời sống, thu nhập cũng như ý thức người lao động cao… Tại Việt Nam, nền kinh tế đang phải đối mặt với lạm phát, thị trường bất ổn, quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch và thu nhập bình quân đầu người quá thấp nên đề án khó khả thi nếu chỉ trông vào sự tự nguyện đóng góp của người lao động. Ngoài ra, đề án cũng chưa thực sự rõ ràng, chi tiết để thấy được tính hiệu quả, lợi ích cho người tham gia.
Việc huy động nguồn Quỹ từ tiền dự án, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, một phần lợi nhuận từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc xổ số nhà ở… cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ khó thực hiện và nảy sinh tiêu cực. Chưa kể, việc chọn lọc đối tượng được ưu tiên sẽ phải cân đối nhằm tránh gây mâu thuẫn bởi tiền đóng quỹ một phần lấy từ tiền đóng hàng tháng của người có nhu cầu mua nhà.
Cần ưu đãi cho người nghèo tiếp cận vốn vay
Một chuyên gia về BĐS cho rằng, việc cho vay chủ đầu tư phát triển các dự án nên để cho Ngân hàng Phát triển đảm nhiệm để dành phần vốn góp để ưu đãi cho người nghèo tiếp cận được vốn vay. “Tính đơn giản, một dự án phát triển nhà ở xã hội quy mô 1.500 căn hộ như dự án Kim Chung, Đông Anh Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, thì số tiền cho vay chủ đầu tư tối đa lên tới 700 tỷ đồng. Thay vào đó, nếu cho người mua vay vốn sẽ giải quyết được cho hơn 1.000 người có điều kiện mua nhà ở, đây sẽ là bài toán cần cân nhắc đối với người cầm quỹ”, vị này nói.
Theo Văn Anh
Người Đưa Tin

Nguy cơ "mất luôn" 50% khoản nợ xấu 258 ngàn tỷ


Tính đến hết năm 2011, tổng số tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vào khoảng 2.580.000 tỷ đồng.
Thành lập công ty mua bán nợ xấu với số vốn 100.000 tỷ đồng là đề xuất của Ngân hàng Nhà nước nhằm giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Liệu các khoản nợ đó có được giải quyết?
Một trong những trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, để nó trở nên lành mạnh, hoạt động hiệu quả hơn. Muốn làm được điều đó thì trước tiên khối nợ xấu khổng lồ của hệ thống hiện nay phải được giải quyết.
Băn khoăn công ty mua bán nợ
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã lên đến 10% tổng số tiền cho vay. Mức này hầu như tương đương với dự báo của các tổ chức nước ngoài. Tính đến hết năm 2011, tổng số tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vào khoảng 2.580.000 tỷ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu là 10% thì con số tuyệt đối sẽ vào khoảng 258.000 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất luôn chiếm đến 50%. Nợ xấu một phần đến từ các khoản đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp quốc doanh, mà Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là một ví dụ điển hình. Hơn nữa, nợ xấu còn xuất hiện một phần vì không ít ngân hàng trong một thời gian dài đã cho vay những khoản tiền khổng lồ, "giúp" nhiều doanh nghiệp cả công lẫn tư, "chơi" chứng khoán hoặc xây dựng chung cư, thực hiện các dự án phân lô, chuyển nhượng nền nhà.
Để giải quyết nợ xấu, đã có ý kiến đề xuất thành lập công ty mua bán nợ với số vốn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty kiểu này sẽ được tổ chức ra sao, công tác mua bán nợ sẽ được giải quyết như thế nào, tiêu chí để mua lại nợ gồm những gì? Có lẽ trước hết cần phải thẩm định giá trị thực của nợ xấu. Tùy vào loại nợ: cực xấu, xấu vừa, xấu... mà mua từ 10%, 20% đến 50% là tối đa. Thậm chí có thể nếu cực kỳ xấu thì không mua, để cho công ty có loại nợ như thế phá sản và đương nhiên, ngân hàng phải chấp nhận chịu thiệt thay vì lúc nào cũng có lời.
Chỉ tính riêng 12 tập đoàn, tổng công ty quốc doanh không thôi thì đã có nợ xấu đến 218.738 tỷ đồng (số liệu do Bộ Tài chính công bố trong đề án "Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước"). Một điểm nữa được báo chí mổ xẻ nhiều trong thời gian gần đây là lấy đâu ra vốn cho công ty này? Nếu do Nhà nước cấp, Ngân hàng Nhà nước quản lý, nhưng lại không được tổ chức một cách minh bạch thì có thể tiền của sẽ bị lợi dụng làm lợi cho các nhóm lợi ích, dễ nảy sinh việc xin - cho. Nếu công ty hoạt động không tốt thì ngân sách nhà nước lại phải gánh khoản lỗ của chính công ty này.
Vì vậy, để phát huy hiệu quả, công ty mua bán nợ nên nằm ngoài hệ thống ngân hàng và hoạt động một cách minh bạch. Hơn nữa, nếu hai ngân hàng vì quyền lợi của nhau mà bán nợ cho nhau, không vì quyền lợi chung, thì nợ xấu vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng, chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nếu có một công ty mua bán nợ nằm ngoài hệ thống ngân hàng, "đẩy" tất cả nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng thì sẽ tránh được hiện tượng này.
Để công ty mua bán nợ có thể hoạt động một cách chuyên nghiệp, theo cơ chế thị trường thì nó phải do tư nhân - chủ yếu là ngân hàng tư nhân - bỏ vốn thành lập; các ngân hàng không muốn góp vốn thì sẽ không được xử lý nợ xấu. Chính phủ chỉ nên tạo điều kiện thêm bằng cách góp từ 20 - 30% vốn, không trực tiếp đứng ra chủ trì và gánh nợ xấu. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính, kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Mỹ, Trung Quốc và Nhật cũng có thể là những tham khảo tốt cho Việt Nam. Chính phủ Mỹ, thông qua Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đã mạnh tay bơm vốn để cứu ngân hàng, nhưng lại không can thiệp sâu vào công tác điều hành ngân hàng. Chính phủ Trung Quốc thì xóa nợ xấu cho doanh nghiệp quốc doanh. Trong khi đó Chính phủ Nhật lại để các ngân hàng quá yếu kém phải sụp đổ.
Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính Phố Wall ở Mỹ bắt đầu. Để giải cứu các ngân hàng bên bờ vực phá sản, FED đã phải bỏ ra 700 tỷ USD. Một phần lượng tiền này được sử dụng để mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Một phần nhằm giải quyết tiền mặt tạm thời cho các ngân hàng yếu kém và phần còn lại để mua cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng. FED chỉ sở hữu cổ phiếu ưu đãi nên không được tham gia điều hành ngân hàng, tạo cơ hội tốt cho các ngân hàng tự tái cơ cấu.
Còn tại Trung Quốc, vào cuối năm 1999, đầu năm 2000, nợ dưới chuẩn thực tế tại nhiều ngân hàng thậm chí đã vượt 40% tiền cho vay. Một yếu tố giúp Chính phủ Trung Quốc thành công là xử lý triệt để các khoản nợ xấu, trong đó nợ của doanh nghiệp quốc doanh chiếm tới 70%. Khi đó, chính phủ nước này đã thành lập 4 công ty quản lý tài sản để xử lý toàn bộ nợ dưới chuẩn, ước tính lên tới 670 tỷ nhân dân tệ. Chính phủ Trung Quốc cũng chi 40 tỷ nhân dân tệ để xóa nợ cho doanh nghiệp quốc doanh và tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ.
Đầu những năm 2000, nợ xấu của các ngân hàng Nhật đã lên đến hàng ngàn tỷ yên do bong bóng bất động sản bùng nổ. Bước đầu, chính phủ Nhật đã bơm hàng nghìn tỷ yên vào các ngân hàng lớn và thành lập hàng loạt quỹ đầu tư có vốn góp tư nhân để mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, cả hai cách này đều không có tác dụng nhiều. Cuối cùng, chính phủ nước này đã quyết định quốc hữu hóa nhiều ngân hàng, để cho các ngân hàng yếu kém tự sụp đổ và đã thành công.
Cần thêm chính sách
Theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, để hạn chế nợ xấu cũng như xử lý nợ xấu một cách hiệu quả nhất thì khi cho vay, các ngân hàng thương mại phải kiểm soát mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi. Ông cũng gợi ý chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp. "Chuyển nợ thành vốn góp là thực hiện một số giải pháp nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp như xóa một phần nợ và lãi, hoãn trả nợ, thay đổi thời gian trả nợ, hỗ trợ về thị trường, công tác quản trị, hỗ trợ về tài chính như cho vay, bảo lãnh… nhằm phục hồi doanh nghiệp từ chỗ thua lỗ, mất khả năng thanh toán trở thành doanh nghiệp kinh doanh có lãi và hiệu quả", ông nói. Một biện pháp khác là đảo nợ, tức cho vay nợ mới để trả nợ cũ, hay tái cơ cấu các khoản nợ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà giải pháp này mang lại cho doanh nghiệp và ngân hàng, nó cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.
Cho dù sử dụng biện pháp nào để xử lý nợ xấu - thành lập công ty mua bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp hay đảo nợ - thì cũng cần phải cân nhắc thật kỹ rồi thực hiện một cách minh bạch.
Theo Ngọc Trung
DDDN

GDP cả nước 6 tháng tăng 4,38%


Đến 01/01/2012 có 5,3% số doanh nghiệp tạm ngừng SXKD tương đương 23.689 doanh nghiệp.
Sáng nay, ngày 29/6/2012, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế, xã hội cả nước 6 tháng đầu năm 2012.
Theo đó tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 4,38% so với cùng kỳ năm 2011. Đạt được mức tăng trưởng này do trong quý II, tăng tưởng GDP là 4,66% vượt mức dự báo 4,5% trước đây. 6 tháng đầu năm 2011, GDP cả nước tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong đó khu vực nông lâm và thủy sản tăng 2,81%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 3,81% và khu vực dịch vụ tăng trưởng 5,57%.
Tại cuộc họp báo cơ qua thống kê cũng thông báo kết quả ra soát số lượng doanh nghiệp tính đến 01/01/2012. Tính đến thời điểm rà soát có 541 ngàn doanh nghiệp tồn tại về mặt pháp lý, nhưng chỉ có 448 ngàn doanh nghiệp được xác minh.
Sau khi rà soát thì đến 01/01/2012 có 5,3% số doanh nghiệp tạm ngừng SXKD tương đương 23.689 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp chờ giải thể là 31.425 doanh nghiệp; trong đó Hà Nội có 7.442 doanh nghiệp; Tp Hồ Chí Minh có 13.222 doanh nghiệp; Đà Nẵng 2.696 doanh nghiệp.Toàn nền kinh tế có 92.710 doanh nghiệp không xác minh được.
Trong 6 tháng đầu năm 2012 có 36.195 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 1,25%) với số vốn đăng ký  232,5 ngàn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động SXKD ước là 4.110 doanh nghiệp; trong đó 610 doanh nghiệp đã giải thể và 3500 doanh nghiệp nhưng hoạt động SXKD.
Tổng đầu tư toàn xã hội 6 tháng đạt 431,7 ngàn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34,5% GDP. Vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước chiếm 36,8% tổng vốn và tăng 6,8%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 37,7% tăng 18,1% và khu vực FDI chiếm 25,5% tăng 4,2% so với cùng kỳ.
Thanh Hải
Theo TTVN/GSO

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Bà Merkel: Châu Âu sẽ không chia sẻ nợ “chừng nào tôi còn sống”


Hôm qua (26/6), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hoàn toàn dập tắt ý tưởng về trái phiếu chung châu Âu khi tuyên bố châu Âu sẽ không chia sẻ các nghĩa vụ trả nợ chừng nào "bà còn sống".
2 ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra, các bộ trưởng tài chính của 4 nước lớn nhất eurozone đã có cuộc họp nhằm giảm bớt khoảng cách giữa các nước trong việc quyết định phương hướng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng có chiều hướng xấu đi. Tại cuộc họp này, Chủ tịch hội đồng châu Âu - Herman Van Rompuy – đã công bố một báo cáo dài 7 trang với những kế hoạch chi tiết hơn về liên minh ngân hàng và liên minh tài khóa. Theo kế hoạch này, trái phiếu chung Eurobond sẽ được phát hành trong trung hạn. 

Tuy nhiên, trong cuộc họp với các nhà làm luật của đảng Dân chủ tự do tại Berlin, bà Merkel đã ngay lập tức phản đối ý tưởng này mặc dù đây là ý tưởng được Pháp, Italia và Tây Ban Nha ủng hộ. 

“Tôi sẽ không xem xét nghĩa vụ trả nợ chung cho toàn khối chừng nào tôi còn sống,” bà Merkel tuyên bố chỉ 1 ngày sau khi gọi ý tưởng eurobond là “hoàn toàn sai lầm về mặt kinh tế và chắc chắn sẽ gây ra tác dụng ngược.”

Thái độ của bà Merkel càng làm tăng thêm căng thẳng vốn đã kéo dài ở châu Âu. Thủ tướng Italia Mario Monti đã thông báo trước quốc hội rằng ông sẽ không đồng ý với các kết luận tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào 2 ngày thứ 5 và thứ 6 tới. Đồng thời, ông cho biết sẽ sẵn sàng đàm phán vào tối Chủ nhật để đưa ra các biện pháp trấn an thị trường. 

Trong khi đó, đảo Síp đã trở thành nước thứ 5 ở eurozone yêu cầu gói cứu trợ. Tuy nhiên, quốc đảo nhỏ bé đã bị giáng một đòn mạnh vào thể diện quốc gia khi ECB thông báo sẽ không chấp nhận trái phiếu của Síp là tài sản đảm bảo. Các bộ trưởng tài chính eurozone sẽ tổ chức họp về lời đề nghị của Tây Ban Nha và Síp vào hôm nay (27/6). 

Minh Anh
Theo TTVN/Reuters

Thế giới đang đối mặt với bong bóng trái phiếu?


Lợi suất trái phiếu Mỹ, Đức và Brazil xuống mức thấp kỷ lục mặc dù tổng nợ của thế giới đã lên tới 40 nghìn tỷ USD khiến nhiều người cho rằng thị trường đang đứng trước bong bóng trái phiếu sắp vỡ.
Theo số liệu từ chỉ số của Bank of America Merrill Lynch, lợi suất trung bình của các trái phiếu được phát hành bởi nhóm G7 đã giảm từ 3% trong năm 2007 xuống chỉ còn 1,12%. Lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 2 năm thậm chí còn giảm xuống mức dưới 0% hôm 1/6 trong khi lợi suất trái phiếu Thụy Sỹ đã ở mức âm suốt từ ngày 24/4 đến nay. 

Tuy nhiên, Mohamed El-Erian, CEO của Quỹ đầu tư trái phiếu Thái Bình Dương (PIMCO) lại cho rằng không có gì phải lo ngại. Trả lời phỏng vấn báo giới, El – Erian cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đang rơi vào tình trạng suy thoái đồng bộ, nhà đầu tư nên tạm thời nghỉ ngơi trong thời điểm này.

Cùng quan điểm với ông, Jeffrey Rosenberg, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tài sản cố định tại BlackRock Inc. có trụ sở tại New York cho rằng đây hoàn toàn không phải bong bóng bởi bong bóng xuất phát từ lòng tham. Tình hình hiện nay không phản ánh kỳ vọng giá sẽ tăng trong tương lai. Ngược lại, lợi suất âm chỉ phản ánh nhà đầu tư cố gắng tìm kiếm tài sản an toàn trong sự sợ hãi. 

Kể từ giữa tháng 3 đến nay, trái phiếu chính phủ đem lại 2,5% lợi suất trong khi cùng giai đoạn này chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu mất 9,3%, chỉ Standard & Poor’s GSCI đo lường diễn biến giá của kim loại, nhiên liệu và các sản phẩm nông nghiệp giảm 16%. 

Các chuyên gia đến từ Pimco lấy Nhật Bản là ví dụ minh chứng cho lập luận của mình. Trải qua bao thăng trầm với các cuộc khủng hoảng, thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản vẫn đứng vững. Mặc dù là nước có mức nợ cao nhất thế giới (hơn 11 nghìn tỷ USD), Nhật là một trong những nước có mức lợi suất trái phiếu chính phủ thấp nhất thế giới. 

Cuối năm 1997, khi thị trường chứng khoán và bất động sản sụp đổ, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Nhật giảm từ mức 5,7% của 8 năm trước đó xuống chỉ còn 2% và chưa bao giờ vượt qua mức này kể từ năm 2006 đến nay. 

Ở chiều ngược lại, cũng có các nhà đầu tư nổi tiếng cho rằng thị trường trái phiếu sẽ đổ vỡ. Từ Leon Cooperman - người sáng lập ra quỹ đầu cơ Omega Advisors Inc., cho đến Warren Buffett – nhà tiên tri tài ba cũng cho rằng nhà đầu tư nên tránh xa trái phiếu. Chính sách nới lỏng từ phía NHTW cùng với các khoản nợ ngày càng tăng lên sẽ đẩy lạm phát tăng mạnh. 

Marc Faber, tác giả của báo cáo “Gloom, Boom & Doom” cũng cảnh báo bong bóng trái phiếu chính phủ sớm hay muộn cũng sẽ vỡ, đặc biệt là khi nợ chính phủ Mỹ đang là tâm điểm. 

Nguồn cung trái phiếu đang tăng lên mạnh mẽ khi các chính phủ phải tăng vay mượn nhằm kích thích nền kinh tế. Theo số liệu thống kê, lượng trái phiếu đã đạt 40 nghìn tỷ USD trong khi con số chỉ là 24 nghìn tỷ USD vào tháng 6 năm 2007 và 15 nghìn tỷ USD cách đây 1 thập kỷ. 

Về phía lực cầu, bên cạnh các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhu cầu cũng đến từ các định chế tài chính khi các tổ chức này mua vào các khoản nợ có chất lượng cao nhất để đáp ứng chuẩn Basel. 

Minh Anh
Theo TTVN/Bloomberg

56 nghìn tỷ nợ xấu BĐS đến cuối 2011, cao hơn 8 lần báo cáo của các ngân hàng


Theo UBGSTCQG dư nợ BĐS thực tế là 348 nghìn tỷ, cao hơn 1,8 lần con số các ngân hàng báo cáo. Nợ xấu cũng tăng lên 56.770 tỷ đồng cao hơn 8,39 lần.
Các con số này được đưa ra trong báo cáo giám sát thị trường tài chính năm 2011 của Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia (UBGSTCQG).
TPHCM  dẫn đầu về tín dụng BĐS: 82,3 nghìn tỷ đồng (45%)
Năm 2011, tín dụng BĐS giảm ở tất cả các địa phương, so với 30/6/2011 tổng dư nợ giảm 21,4%. TP HCM dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tín dụng BĐS (44,94%), tương đương khoảng 82,3 nghìn tỷ đồng. Hà Nội xếp ở vị trí thứ hai, chiếm 25%, giá trị cho vay khoảng 44,2 nghìn tỷ.
Dư nợ cho vay BĐS phân theo địa bàn năm 2011 (nghìn tỷ đồng)
Nguồn: UBGSTCQG
Nhóm NHTM Nhà nước và NHTM chiếm 92,23% dư nợ cho vay BĐS
Dư nợ cho vay BĐS ngắn hạn chiếm tỷ trọng 16,34%, vay trung  và dài hạn chiếm 83,66%.
Nhóm NHTM CP có tỷ lệ dư nợ BĐS cao nhất, chiếm 62,77%, giảm so với mức 63,27% tại thời điểm 30/6/2011. Nhóm NHTM NN cũng giảm từ mức 30,52% xuống còn 29,46%.  Nhóm NH liên doanh, NH nước ngoài và Cty TC có tỷ trọng cho nợ cho vay BĐS tăng nhẹ so với 30/6/2011.
Báo cáo của UBGSTCQG nhận định  thị trường BĐS đang gặp khó khăn (cung tăng nhanh, cầu giảm mạnh, giao dịch trầm lắng, giá cả sụt giảm) đã làm giảm chất lượng tài sản có và có thể gây ra rủi ro cho các NHTM.
Cơ cấu tổng dư nợ cho vay BĐS
Nguồn: UBGSTCQG
Mất cân đối cung – cầu vốn tín dụng cho BĐS
Trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng thì tăng trưởng tín dụng năm 2011 lại tập trung ở các phân khúc tạo cung cho thị trường (xây dựng khu đô thị; xây dựng văn phòng cho thuê; xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán).
Tuy nhiên, tín dụng BĐS tạo cầu cho thị trường lại giảm. Điều này càng làm cho cung và cầu vốn mất cân đối và thị trường BĐS thêm khó khăn. Kênh vay vốn ngân hàng bị kẹt đã có tác động tiêu cực đến việc huy động vốn từ các nguồn khác như FDI, doanh nghiệp và người dân vào thị trường.
Cho vay BĐS theo nhu cầu vốn vay tại thời điểm 30/9/201
Nguồn: Bộ Xây dựng
Cho vay sửa chữa, mua nhà để ở chiếm 25% tổng dư nợ BĐS
Tính đến 31/12/2011, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nhà để ở tiếp tục là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cho vay BĐS của các TCTD. Đây là lĩnh vực ít rủi ro bởi các tác động của chính sách vĩ mô.
Tuy nhiên, dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh văn phòng cho thuê, khu đô thị vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ, thậm chí dư nợ cho vay sửa chữa, mua nhà bán còn tăng 8,9% so với 30/6/2011.
Trong khi đó, tín dụng cho xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp lại giảm mạnh, bằng 48,9% so với 30/6/2011. 
Dư nợ tín dụng BĐS theo nhu cầu vay vốn - 31/12/2011 (tỷ đồng)
Nguồn: UBGSTCQG
Dư nợ BĐS điều chỉnh cao hơn 1,8 lần: 348 nghìn tỷ, nợ xấu BĐS là 56 nghìn tỷ cao hơn 8,4 lần con số báo cáo.
Theo báo cáo của UBGSTCQG trong khoảng thời gian từ giữa năm 2010 đến hết năm 2011 (cùng với thời gian chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng trưởng tín dụng bị khống chế), hầu hết các TCTD đều tăng mạnh các khoản mục tài sản khác mang bản chất tín dụng.  Do đó, dư nợ tín dụng cần được điều chỉnh tiệm cận với thực tiễn. Dư nợ điều chỉnh tăng từ 2.484.780 tỷ đồng lên 2.794.247 tỷ đồng, tương đương 12,45% so với dư nợ báo cáo.
Tương tự, dư nợ BĐS và nợ xấu cũng cần được điều chỉnh, theo đó một phần số dư các khoản TPDN, ủy thác đầu tư, các khoản phải thu khác bên ngoài, các tài sản có khác được tính bổ sung vào dư nợ BĐS. Sau điều chỉnh, dư nợ BĐS đạt 348.079 tỷ đồng, gấp khoảng 1,8 lần dự nợ BĐS báo cáo.
Nợ xấu BĐS được đánh giá lại đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở TCTD đó có cho vay tập trung phát triển dự án BĐS hoặc cho vay kinh doanh đầu cơ BĐS, có góp vốn vào các công ty liên doanh liên kết hoặc cổ đông hoạt động trong lĩnh vực BĐS, hay tập trung cho vay bán lẻ BĐS. Nợ xấu BĐS sau điều chỉnh lên tới 56.770 tỷ đồng, gấp 8,39 lần so với nợ xấu BĐS báo cáo.
 An Huy
Theo TTVN/UBGSTCQG

Vingroup hoàn thành kế hoạch 300 triệu USD trái phiếu CĐQT


Khu biệt thự Vincom Village - 1 dự án quan trọng của Vingroup
Đây là thương vụ phát hành TPCĐQT lớn thứ 2 Châu Á kể từ đầu năm 2012 tới nay.
Tối qua 27/6/2012, Tập đoàn Vingroup vừa phát hành thành công bổ sung 115 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế (TPCĐQT); đồng thời hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát hành 300 triệu USD TPCĐQT đã đề ra. Đây là thương vụ giao dịch TPCĐQT lớn thứ hai Châu Á kể từ đầu năm 2012 đến nay.
Sau 3 tháng kể từ đợt phát hành thành công TPCĐQT lần 1 của năm 2012 với tổng giá trị là 185 triệu USD; tối qua, 27.6.2012, trong đợt phát hành bổ sung, Vingroup đã tiếp tục thành công khi 115 triệu USD TPCĐQT của VIC nhanh chóng được các nhà đầu tư mua hết. 
Cũng như đợt phát hành trước, đây là loại hình trái phiếu không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 5 năm, phát hành bằng đôla Mỹ với lãi suất coupon là 5%/năm, thanh toán 6 tháng một lần vào cuối kỳ và được niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán Singapore ngay sau khi phát hành. 
Giá chuyển đổi cho đợt phát hành này là 88.000 VNĐ/cổ phiếu (bằng đúng mức giá chuyển đổi 112.200 VND/cổ phiếu của đợt phát hành TPCĐQT lần 1 trước thời điểm điều chỉnh giá cổ phiếu do Công ty thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu trong tháng 6.2012 với tỷ lệ mỗi 1000 CP được chia 275 CP, tương đương tỷ lệ 27,5%). Quyền chuyển đổi của các trái chủ sẽ được thực hiện ngay sau khi hoàn thành đợt phát hành.
Các trái phiếu phát hành đợt này sẽ được hợp nhất với lượng trái phiếu phát hành đợt 1 (vào ngày 3.4.2012),tạo thành một lô duy nhất với tổng giá trị phát hành lên 300 triệu USD. Đây chính là con số tối đa trong kế hoạch phát hành TPCĐQT năm 2012 mà Vingroup đã lập và xin phép các cơ quan chức năng. Giao dịch TPCĐ này đã trở thành thương vụ giao dịch lớn đứng thứ hai Châu Á kể từ đầu năm 2012 đến nay, sau thương vụ phát hành TPCĐQT của Tập đoàn Khazanah (của chính phủ Malaysia). Chính vì vậy, thương vụ này đã gây được tiếng vang lớn của thị trường tài chính trong khu vực châu Á nói riêng và các nhà đầu tư tài chính quốc tế nói chung.
Từ Singapore, bà Lê Thị Thu Thuỷ, tân Tổng Giám đốc Vingroup cho biết: “Chúng tôi thực sự hạnh phúc trước thành công của đợt huy động này bởi nó không chỉ giúp Tập đoàn có được một khối lượng vốn lớn với giá rẻ và không cần tài sản đảm bảo để phục vụ cho việc phát triển các dự án, mà điều này còn chứng tỏ niềm tin lớn của các nhà đầu tư quốc tế vào một doanh nghiệp Việt. Thực sự, vào thời điểm hiện tại, thị trường tài chính quốc tế đang cực kỳ khó khăn, các nhà đầu tư đều ngần ngại và rất nhiều doanh nghiệp phải dừng kế hoạch huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế, vậy mà, Vingroup đã thành công! Đây thực sự là một nguồn cổ vũ, động viên vô cùng ý nghĩa với Vingroup, giúp chúng tôi thêm tự tin trong giai đoạn bước đầu hội nhập quốc tế hiện nay. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn các nhà đầu tư quốc tế, các cơ quan chức năng của 2 nước Việt Nam và Singapore, đặc biệt là tổ chức Credit Suisse vì đã tin tưởng, giúp đỡ và hợp tác, tư vấn rất nhiều cho Vingroup trong thương vụ này…
Bà Lê Thị Thu Thủy - CEO của Vingroup
Cũng theo đánh giá của bà Lê Thị Thu Thuỷ, có 3 yếu tố dẫn đến thành công của Vingroup trong đợt phát hành TPCĐQT năm 2012 là: Thứ nhất, các nhà đầu tư nhìn thấy ở Vingroup một tiềm năng phát triển mạnh mẽ và bền vững với việc sở hữu một khối lượng tài sản lớn có giá trị phát triển và khả năng sinh lời cao. Đó là những dự án hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực BĐS và Du lịch, có quy mô, đẳng cấp quốc tế. Thứ hai, Vingroup có được sự minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp. Sự nghiêm túc, minh bạch và mô hình hoạt động theo chuẩn quốc tế của Vingroup được các nhà đầu tư đánh giá cao. Thứ ba, trong đợt phát hành này, Vingroup đã có được sự chuyên nghiệp ngay từ khi tiến hành công tác chuẩn bị, lập hồ sơ cho đến hoạt động tiếp cận, giới thiệu, thương thảo với các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, để tiến hành thương vụ quan trọng này, Vingroup cũng đã mời tổ chức Credit Suisse (một Ngân hàng Đầu tư uy tín hàng đầu thế giới làm đơn vị tư vấn và bảo lãnh duy nhất cho đợt phát hành. Credit Suisse là đối tác quan trọng của Vingroup và chính tổ chức này đã tư vấn, bảo lãnh thành công cho các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế và khoản vay chuyển đổi quốc tế của Vingroup từ 2009 đến nay.

Theo Vingroup

“Bức tử” công trình nghìn tỷ vì thiếu trách nhiệm


Tòa nhà trung tâm Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội là một dự án nhóm A được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003, là một công trình hiện đại nhất của ngành giáo dục nhưng sau 9 năm triển khai nay đã “đắp chiếu” với 7 tầng xây thô.
Vụ việc công trình tòa nhà trung tâm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bị chậm trễ 2 năm, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng đôi khi còn lớn và nghiêm trọng hơn cả các vụ tham nhũng.
Sau khi báo chí nêu vụ việc “Tháp đôi đại học” nghìn tỷ “mình voi đầu chuột”, gần đây, Bộ Giáo dục &Đào tạo đã có động thái bước đầu “sửa sai”. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm người gây ra lãng phí như thế nào thì vẫn bị bỏ ngỏ. Tổng thiệt hại do thiếu trách nhiệm là bao nhiêu?
Lãng phí hơn 100 tỷ đồng do sự chậm trễ của dự án
Là Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em, đơn vị quản lý cấp phát vốn cho dự án Tòa nhà trung tâm Trường ĐHKTQD, nên cơ quan này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc để công trình “đắp chiếu” suốt hai năm qua.
Tháng 9/2010, Trường ĐHKTQD đã có tờ trình số 925/TTr-KTQD/QTTB xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1.160 tỷ đồng và kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2012. Song, Cục trưởng Trần Duy Tạo không cho nhà trường ký gia hạn hợp đồng với Tổng công ty 36. Theo Đại tá Nguyễn Thanh Giang, Phó TGĐ Tổng công ty 36 thì việc gây khó khăn này là khó hiểu. Nếu chưa thể phê chuẩn tổng mức đầu tư điều chỉnh, ông Tạo vẫn có thể cho phép gia hạn hợp đồng để công trình được tiếp tục triển khai, hoàn toàn không vướng một khó khăn nào về cơ chế.
Việc không cho ký gia hạn không khác gì một kiểu “bức tử” công trình hết sức vô lý, thiếu trách nhiệm. Không cho gia hạn hợp đồng, ông Tạo với tư cách đại diện cho cơ quan chủ quản đã đẩy chủ đầu tư là Trường ĐHKTQD vào chỗ vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng đối với nhà thầu là Tổng công ty 36. Theo công văn số 686/CV-KTQD ngày 5/6/2012 của Tổng công ty 36 gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chỉ tính riêng những thiệt hại do vi phạm hợp đồng gồm những khoản tiền sau:
Một là, nhà thầu đã đầu tư gần 180 tỷ đồng (trong đó có phần đầu tư phát sinh năm 2011 do ông Tạo hứa với chủ đầu tư và nhà thầu sẽ gia hạn hợp đồng nhưng sau đó bị “bội tín”) nhưng mới được thanh toán 115 tỷ đồng, còn gần 65 tỷ đồng chưa được thanh toán, phải chịu lãi suất vốn vay 1,7 tỷ đồng/tháng; chưa kể 60 tỷ đầu tư trang thiết bị máy móc thi công phải chịu khấu hao và lãi vay hàng tháng 1,4 tỷ đồng/tháng. Tính tổng cộng hai khoản riêng tiền lãi ngân hàng là 3,1 tỷ đồng/tháng.
Tham chiếu theo các điều quy định trong hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì thời điểm kết thúc hợp đồng là 31/12/2010. Tới nay, số tháng chậm thanh toán đã lên tới 18 tháng thì số tiền lãi ngân hàng phát sinh phải trả do sự chậm trễ của ông Tạo đã lên tới 55,8 tỷ đồng. Số tiền này ngân sách Nhà nước sẽ hoàn toàn phải gánh chịu.
Hai là, thiệt hại do thời gian thi công kéo dài dẫn đến giá nhân công tăng cao. Lúc đấu thầu hệ số điều chỉnh nhân công là 1,138 nay lên tới 4,44, tăng gấp gần 4 lần chi phí nhân công. Theo tính toán của Tổng công ty 36, riêng giá trị phát sinh về nhân công do thanh toán chậm đã lên tới 25 tỷ đồng.
Ba là, thiệt hại do công trình chậm trễ khiến Trường ĐHKTQD đến nay vẫn không có phòng học cho sinh viên, phải đi thuê với chi phí 6 tỷ đồng/năm, tính ra sự chậm trễ sẽ kéo dài ít nhất khoảng 4-5 năm, đồng nghĩa với thiệt hại chi phí thuê phòng học lên tới 25-30 tỷ đồng.
Bốn là, việc làm trái nguyên tắc tài chính, điều chuyển 11,7 tỷ đồng kinh phí cấp cho dự án năm 2010 cho dự án khác, khiến nhà thầu không thể thi công, công trình bị đình trệ. Cộng với đó, chậm trễ cấp vốn 30 tỷ đồng của dự án năm 2012 suốt 6 tháng qua cũng gây ra thiệt hại lớn cho dự án.
Năm là, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nếu Bộ GD&ĐT áp dụng phương án “úp nóc”, phân kỳ thi công tòa nhà như đề xuất của ông Tạo tại công văn trình Bộ GD&ĐT, sau đó đã được một cuộc họp bàn về dự án của Bộ thông qua. Tuy nhiên, phương án này đã bị các chuyên gia xây dựng cho rằng phản khoa học. trả lời báo chí gần đây, ông Trần Duy Tạo cho hay sẽ “sửa sai”, không áp dụng phương án này nên chúng tôi không bàn ở đây.
Tính sơ bộ những khoản tiền trên, lãng phí gây ra cho dự án đến nay đã là hơn 100 tỷ đồng, chưa kể nhiều thiệt hại khác như về thương hiệu của chủ đầu tư, nhà thầu, ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống của cư dân trên địa bàn, hiệu quả giáo dục và đào tạo…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chiều 23/6, trả lời báo chí, Cục trưởng Trần Duy Tạo cho biết: “Ngày 22-6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một cuộc họp để tiếp tục giải quyết các vướng mắc. Liên quan đến trách nhiệm của mình, ông Tạo cho hay sẽ “sửa sai”. Ông đã trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký công văn cho phép chủ đầu tư gia hạn hợp đồng với Tổng công ty 36, có thể trong tuần cuối tháng 6 sẽ hoàn thiện ngay các thủ tục thanh toán công nợ cho nhà thầu.
Phần vốn 30 tỷ đồng cho dự án năm 2012 cũng sẽ được cấp ngay, cộng với gần 12 tỷ đồng bị điều cho dự án khác vào năm 2011 sẽ được ông Tạo “điều chỉnh hợp lý”. Ông Tạo cũng cho biết, phương án “phân kỳ, úp nóc” mới chỉ là “đề xuất”, nếu chưa hợp lý thì sẽ tìm phương án khác”.
 
Chiều 24/6, ông Vũ Anh Trọng, Trưởng phòng Quản trị thiết bị Trường ĐHKTQD cho biết thêm: “Trong ngày, Ban QLDA đã nhận được công văn của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, cho phép gia hạn gói thầu với Tổng công ty 36 đến hết năm 2013”.
Như vậy, những vấn đề mà báo Dân trí nêu đã phần nào được Bộ GD&ĐT tiếp thu, khắc phục, sửa sai. Tuy nhiên, còn hậu quả gây lãng phí lên tới hơn 100 tỷ đồng do một số cán bộ thiếu trách nhiệm, để công trình chậm trễ thì chưa được đề cập hướng xử lý.
Về vấn đề này, theo Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Hành vi có dấu hiệu sai phạm của các cán bộ để xảy ra vụ việc trên được xem xét tại Điều 144 của BLHS 1999 về Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Theo đó, nếu gây thiệt hại trên 500 triệu đồng  có thể bị phạt tù từ 7-15 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước.
 
Chiều 27/6, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ thuộc Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương cho biết: “Nếu cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm gây lãng phí của dự án lên tới hơn 100 tỷ đồng thì lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần phải chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm minh, gắn với triển khai Nghị quyết Trung ương 4”.
Theo Vũ Văn Tiến – Nguyên Minh
Dân Trí

Nam Cường đầu tư BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc


Ông Trần Oanh, TGĐ Tập đoàn Nam Cường nhận Giấy chứng nhận đầu tư
Tập đoàn Nam Cường vừa mới được UBND tỉnh Kiên Giang cấp Giấy chứng nhận đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp 32,2ha tại đảo Phú Quốc.
Từ năm 2004, cố Chủ tịch Trần Văn Cường, Tập đoàn Nam Cường đã khởi xướng và có những bước xúc tiến đầu tư đầu tiên tại huyện đảo Phú Quốc, vì nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng nơi đây.
Ngày 23/6/2012, tại thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư Kiên Giang năm 2012, đây là một hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị Hợp tác đầu tư sang Campuchia lần thứ 3 tại Kiên Giang. Theo thông tin từ Nam Cường, trong khuôn khổ của Hội nghị Tập đoàn đã được UBND tỉnh Kiên Giang cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc.
Dự án có diện tích 32,2 ha, với tổng vốn đầu tư lên tới 3.200 tỷ đồng được thực hiện trong giai đoạn 2012-2018. Khu tổ hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp Phú Quốc - Nam Cường bao gồm khách sạn, khu vui chơi giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn Quốc tế.
Bên cạnh nguồn vốn hiện có của Tập đoàn, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2012, Cty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đã ký bản cam kết thỏa thuận với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam về tài trợ vốn và cung ứng dịch vụ ngân hàng cho Dự án khu tổ hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp Phú Quốc - Nam Cường, ngân hàng BIDV sẽ là đơn vị bảo trợ vốn đầu tư cho dự án.
Hiện nay trên toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 5000 doanh nghiệp đang hoạt động với vốn đăng ký trên 84.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản, khai thác khoáng sản, đầu tư hạ tầng kinh tế, dịch vụ du lịch… trong đó có 30 dự án FDI giúp cơ cấu kinh tế chung của tỉnh từng bước chuyển dịch theo hướng hiệu quả, bền vững, tốc độ tăng trưởng đạt trên 12%, góp phần cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Hội nghị xúc tiến đầu tư Kiên Giang có 6 dự án đuợc cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có Nam Cường. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực như nhà ở, chế biến xuất khẩu gạo, chế biến gỗ, thủy hải sản, du lịch thương mại, bất động sản, cao su, lương thực, xây dựng…
Bình An
Theo TTVN